Menu
 

Đến với đền Bà Vũ - di tích lịch sử cấp quốc gia

Đền Bà Vũ thuộc thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ngôi đền thờ bà Vũ Thị Thiết "Chuyện người con gái Nam Xương" mà Nguyễn Dữ đã chép trong Truyền kì mạn lục vào thế kỉ XVI. Sau khi bà mất, người dân trong vùng tôn vinh bà là Thánh Mẫu hay Mẫu Nương Nương hay Nàng Hương công chúa. Vì thế đền còn gọi là đền Mẫu, đền Vũ Điện hay đền Trinh Liệt. Đây là một trong những di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tiêu biểu của tình Hà Nam

Lễ hội đền bà Vũ

Lễ hội đền bà Vũ được tổ chức vào 3 ngày 18, 19 và ngày 20 tháng 8 âm lịch để tưởng niệm ngày mất của bà, đồng thời đây là dịp dân làng tạ ơn Thần, phật cầu "Quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh".
Lễ hội đền Bà Vũ xã Chân Lý, huyện Lý Nhân
Ngày 18, người dân làng mang lễ vật đến đền bà Vũ làm lễ cáo yết, xin Thần, Phật, Thánh mẫu cho mở hội. Lễ vật hồm xôi, thịt, rượu, trầu cau, hoa quả. Sau tế nữ quan ở trước đền, dân làng tổ chức lễ “Bát nhã” trước chùa. Buổi tối, thả đèn hoa đăng trên sông và hát chèo, biểu diễn các tích chèo cổ tại sân đền.
Thả đèn hoa đăng lễ hội đền bà Vũ

Ngày Mười chín, dân làng cử hành rước nước trên sông Hồng (khúc sông nơi Bà tuẫn tiết, người xưa gọi là Hoàng Giang), làm lễ tạ và xin Bà ban cho nước sông mang về tế Thần, Phật. Đoàn rước nước theo thứ tự: Đội múa rồng, múa sư tử, đội cầm cờ thần, chiêng, trống; sau đến đội bát âm, đội bát bửu; tiếp đến là kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu võng có thanh đồng nữ đi trước, đội tế nữ quan hộ tống, dân làng và khách thập phương nối theo. Nước được đựng vào 3 chóe do nữ tú mặc áo dài trắng, đội khăn xếp trắng khiêng lên đền Tam Quan tế trình. Sau đó, đám rước theo đê bối về đền Bà Vũ, còn 2 thuyền rồng trở lại bến trước đền.  
Rước lễ trên Sông Hồng trong lễ hội đền bà Vũ

 Trong các ngày Hai mươi và Hăm mốt, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, leo cầu kiều, bắt vịt ở ao đền, bịt mắt đập niêu; nhất là diễn xướng hầu Thánh cùng các nghi thức; tối ngày Hăm mốt lễ tạ, đóng cửa đền kết thúc hội.
 Giá trị lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng
Theo Ngọc phả “Vũ Nương công chúa”, vào thế kỷ XV, ở trang Vũ Điện huyện Nam Xang, Phủ Lý Nhân có vợ chồng ông Vũ Thuận và bà Nguyễn Thị Phiên ăn ở rất nhân từ. Đây là gia đình vốn dòng hào phú, ông bà sinh được bốn người con, ba trai đầu và cô con gái út. Người con gái được đặt tên là Vũ Thị Thiết, hiệu là Hương Nương. Lên tám tuổi, Hương Nương được bố mẹ cho đi học. Vốn  tư chất thông minh nên Hương Nương thấu hiểu kinh sử rất nhanh và làm thơ hay. Năm Hương nương 13 tuổi bố mẹ lần lượt qua đời, bốn anh em phải dựa vào nhau mà sinh sống. Năm nàng 19 tuổi, quê nhà bị mất mùa, nạn đói xẩy ra khắp nơi. Hương Nương bàn với các anh đem của cải giúp người bần hàn, già yếu, nàng đã được dân làng hết sức ca ngợi. Lúc bấy giờ ở trang Vũ Điện có gia đình ông Trương Nghị sinh được năm người con trai đều đã đến tuổi trưởng thành. Ông thấy Hương Nương là người đức hạnh lại xinh đẹp, nên đã đến xin hỏi cưới cho con trai thứ hai là Trương Huyền. Theo lời các anh trai, nàng về làm dâu nhà ông Trương Nghị. Cưới nhau chưa được bao lâu thì Trương Huyền phải đi lính phương xa đánh trận, để lại người vợ đang bụng mang dạ chửa. Một năm sau Vũ Thị Thiết sinh được một con trai đặt tên là Đản. Nàng một mình nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Bé Đản hơn hai tuổi thì biết nói. Đêm đêm mẹ con ngồi bên cây đèn, nhìn bóng mình in trên vách, nàng thường nói với con đấy là bố đẻ để yên lòng con trẻ. Trương Huyền 3 năm sau hết hạn binh dịch trở về quê hương thì cha mẹ đều đã qua đời. Vợ chồng xa cách gặp nhau vui mừng khôn xiết, chàng bế con bảo là bố đã về nhưng bé Đản nhất định không theo cứ khăng khăng: “Ông không phải là bố tôi, bố tôi tối mới về”. Nghe thấy thế, Trương Huyền mang lòng ngờ vực, mắng nhiếc Hương Nương thậm tệ, cho là vợ không chung tình. Nàng khóc lóc phân trần nhưng không có cách nào phân giải để chồng hiểu. Họ hàng , làng xóm can ngăn chàng  nhưng đều vô hiệu. Quá đau khổ, Hương Nương ra bờ sông  nguyền rằng: “Thiếp tôi thờ chồng chỉ có một niềm đoan chính, song vì chồng có ý nghi nghờ, nỗi niềm không giãi tỏ được oan tình, vậy xin thần sông chứng giám cho tấm lòng ngay thẳng”. Sau đó nàng làm một bài thơ 8 câu viết vào vuông khăn hồng, hai câu cuối là:
“…Oan ức mấy lời xin gửi lại
 Qua đây ai báo giúp cho chồng”
 Rồi nàng nhảy xuống sông tự vẫn. Nghe tin, Trương Huyền ra ngay bờ sông thì sự đã quá muộn, nhưng trong lòng mối nghi ngờ vẫn chưa giải được. Tối đó chàng bế con ngồi một mình, con nhớ mẹ kêu khóc không thôi. Bỗng trên vách in bóng người cha, bé Đản vội kêu lên: “Bố tôi đã đến”. Đến lúc đó Trương Huyền mới vỡ lẽ vợ mình đã bị oan. Từ đó chàng bị làng xóm chê cười, lại nghĩ đến tấm lòng chung thủy của vợ nên đã lập đàn giải oan cho nàng rồi sau bế con đi đâu không ai rõ. Nhân dân địa phương thương nhớ người con gái trung hậu mà cuộc đời lại chịu nhiều nỗi đắng cay, liền dựng miếu thờ nàng bên bờ sông nơi nàng tuẫn tiết để hương khói phụng thờ.
Đền bà Vũ có giao thông thủy bộ thuận lợi, lại nằm trên địa bàn có nhiều di tích quốc gia tiêu biểu như đền Trần Thương, đình Văn Xá,...đã và đang thu hút khách du lịch gần xa; là điểm du lịch tâm linh của huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam trong tương lai không xa.

Đăng nhận xét

 
Top