Menu
 

Câu chuyện về “dấu ấn rồng” bỗng nhiên xuất hiện trước cửa đình Miễu (thôn Yên Nội, xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam) và dưới đáy ao làng ngay sau ngày đình được xây lại vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp. Theo người dân thôn Yên Nội cho biết gần đây trong thôn có nhiều hiện tượng lạ khó giải thích, vì thế họ tin "dấu rồng" kia là có thật.

Bí ẩn "dấu rồng" xuất hiện tại sân đình

Ông Lưu Tôn Hứa – thủ từ đình Miễu cho biết, ngôi đình đã có từ hàng trăm năm trước, vốn làm toàn bằng gỗ lim, có những cột đình to phải hai người ôm mới hết. Khoảng đầu những năm 1960, đình làng bị phá để lấy gỗ dựng trường học nhưng người dân vẫn dựng tạm một ngôi đình nhỏ làm nơi thờ tự Thành hoàng. Đến năm 2012, đình Miễu mới chính thức được tu sửa và câu chuyện về dấu vết rồng cũng bắt đầu từ thời điểm này.
Dấu rồng ở Hà Nam

Ông Lưu Tôn Tô - Trưởng thôn Yên Ngoại kể lại: Khoảng đầu tháng 12/2012, mọi hạng mục tôn tạo, tu sửa đình Miễu đã gần như hoàn thành, chỉ còn duy nhất phần sân đình chờ đổ bê tông. Một ngày trước hôm xuất hiện “dấu rồng”, đội ngũ thợ xây đã cố gắng tập trung để làm cho xong phần sân đình nhưng đến 18h mà phần bê tông mới chỉ đổ được 2/3 diện tích. Do trời tối nên đội thợ buộc phải thu dọn đồ đạc, chờ hôm sau làm tiếp. Tuy nhiên, sáng hôm sau khi đội thợ đang chuẩn bị trộn bê tông đổ nốt phần sân còn lại thì ông Lê Đình Pha (60 tuổi), một người sống gần đình Miễu qua chơi, bất chợt nhìn thấy hai “dấu ấn” lạ. Ông này liền chỉ cho đội thợ xây và bảo ngừng thi công, đồng thời gọi ông Trưởng thôn và ông thủ từ. Bà con trong thôn nghe tin cũng xôn xao kéo nhau ra đình xem. Hai dấu vết mới xuất hiện trên sân đình có hình dáng y hệt như hình ảnh con rồng theo các hình vẽ dân gian. Theo ông Tô - Trưởng thôn, ngay sau đó dân làng đã thống nhất phải xây kín xung quanh để bảo vệ “dấu ấn” mà rồng đã in lại. Một mặt để lưu giữ những dấu tích lạ, mặt khác để tránh mỗi lần ra đình sinh hoạt người dân không dẫm đạp lên “dấu thiêng” ấy.
Nhớ lại khoảnh khắc được nhìn thấy “dấu rồng”, ông Tô xúc động: “Khi vừa nhìn thấy dấu vết này, tôi đã giật mình bởi hình ảnh không khác gì hình ảnh của một con rồng mà tôi vẫn biết qua dân gian, qua sách vở. Chính vì sự lạ của nó mà sau khi báo cáo sự việc lên chính quyền xã, chúng tôi đã đo đạc kiểm tra. “Dấu rồng” bên trái hướng từ ngoài sân vào đình, chiều dài 3,8m, bề ngang 10cm. “Dấu rồng” bên phải nhỏ hơn, chiều dài 1,8m, chiều ngang 5cm. Đặc biệt, các “dấu ấn” này đều hằn sâu xuống nền bê tông với những đường nét hoa văn rất rõ nét và đều đặn, nhìn kỹ trông như hình của những chiếc vây cá. Dấu vết đậm ở phần đầu, nhạt dần về phía đuôi”.

Đóng khung bảo quản, chờ nhà nghiên cứu

Một lý do khiến người dân thôn Yên Nội tin rằng hai dấu vết trên chắc chắn linh thiêng, không phải do con người sắp đặt là do trước đó trong thôn đã có nhiều hiện tượng lạ khó giải thích. Một cao niên trong làng là cụ Lê Văn Thành cho biết, “dấu rồng” được phát hiện vào buổi sáng thì đêm đó đã có nhiều biểu hiện lạ. Ví dụ đêm trước đó, không gian ở thôn Yên Nội tự nhiên tĩnh lặng khác thường, trong khi mọi đêm thường có gió rất mạnh do làng ở giữa cánh đồng. Ngay cả tiếng chó sủa cũng không nghe thấy. Không gian yên tĩnh đến lạ kỳ.
Hoặc chuyện bà Lê Thị Chè mơ thấy Thành hoàng về ngự ở đình Miễu. Bà nói: “Tôi đã từng kể về giấc mơ với mọi người nhưng không ai tin. Đến khi xuất hiện “dấu ấn rồng” thì ai cũng ngỡ ngàng. Từ đó mọi người đoán rằng, khi phá đình, 2 vị Thành hoàng phải đi nơi khác ngự, đến khi thấy dân làng cùng nhau tu sửa đình thì 2 vị quay về để phù hộ cho dân làng. Do vậy dân làng ai cũng háo hức, tin rằng làng mình đang được phù trợ nên càng chí thú làm ăn hơn”.
Phần lớn người dân trong thôn đều cho rằng đó chính là tín hiệu hai vị Thành hoàng được thờ trong đình đã linh ứng trở về sau mấy chục năm “lưu lạc” để phù trợ cho bà con. Thời gian đầu người dân kéo đến chiêm ngưỡng rất đông, hầu như ai cũng tin đó thực sự là dấu tích của rồng và tỏ ra rất thành kính, thích thú.
Tuy nhiên, ông Tô cho biết: “Vì đã có nhiều bài học về chuyện mê tín dị đoan xảy ra trên khắp cả nước, chúng tôi cũng lo ngại dân khắp nơi đổ về xem “dấu rồng” sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho cuộc sống của bà con nơi đây nên đã ngay lập tức phối hợp với chính quyền xã nhằm chấn chỉnh và quyết tâm bài trừ mê tin dị đoan. Tuy chưa hiểu nguồn gốc hai dấu vết này nhưng đó là một hiện tượng lạ cần bảo vệ, gìn giữ để hy vọng sau này các nhà khoa học sẽ vào cuộc và có những lời giải đáp chính xác”.Do vậy, để bảo vệ dấu tích bí ẩn này cũng như đề phòng trong quá trình chiêm bái của người dân có thể dẫm nên dấu vết lạ, các vị chức sắc trong thôn đã thống nhất xây một hàng gạch kín xung quanh “dấu rồng” và đặt lên bề mặt một tấm kính để người dân tiện quan sát.

“Dấu rồng” dưới đáy ao đình

Câu chuyện “dấu rồng” ở sân đình chưa tìm được lời giải đáp thì gần một năm sau, một lần nữa người dân lại xôn xao khi phát hiện “dấu ấn rồng” dưới đáy ao phía sau đình Miễu. Ông Lưu Trung Luân - Phó Bí thư chi bộ thôn Yên Nội kể: “Hôm ấy, sau khi ông Hòa (người thầu ao cá làng– PV) hút cạn nước để chuẩn bị thu hoạch cá, qua một đêm, dưới đáy ao lại thấy xuất hiện hàng loạt “dấu ấn rồng” theo từng cặp, giống hệt với dấu vết ở sân đình. Điều này càng khiến dân làng tin vào sự trở về của hai Thành hoàng sau mấy chục năm “lưu lạc” thông qua dấu vết rồng để lại”.
Sau khi sự việc kỳ lạ trên xảy ra, các bô lão trong Ban khánh tiết của làng đã kết hợp với chính quyền thôn và nhân dân địa phương tổ chức cúng lễ, rước Thành hoàng làng về ngự tại đình Miễu.
Chia sẻ về hiện tượng kỳ lạ trên, ông Lê Đình Học - Chủ tịch UBND xã Tiên Ngoại cho biết: “Sau khi xuất hiện những dấu tích lạ tại đình Miễu, chúng tôi đã phối hợp với công an xã xuống hiện trường nhằm giữ gìn trật tự cũng như ngăn chặn các trường hợp lợi dụng gây phiền nhiễu, mê tín dị đoan. Khi mới quan sát, tôi cho rằng đó là do tác động của con người, nhưng nghiên cứu kỹ dấu vết cũng như các hoa văn vẫn còn in sâu trên mặt bê tông, tôi khẳng định các dấu ấn đó không thể do con người tạo ra. Có thể “tác giả” chính là một con vật nào đó như con trăn hoặc là một con rắn khổng lồ. Còn chuyện liên quan đến những cái chết ở làng, tôi nghĩ chỉ là do người dân đồn đoán và không có cơ sở”.
Đình Miễu là nơi thờ hai vị Thành hoàng Lã Nga và Đông Bảng - hai anh em đều làm tướng đời Trần, có nhiều công lao giúp Nhà Vua xây dựng giang sơn. Để tưởng thưởng công lao của hai vị, Nhà Vua đã ban vùng đất tại thôn Yên Nội cho lập dân làm ấp, an hưởng tuổi già. Sau khi hai vị qua đời, người dân đã lập đình thờ cúng. Lễ dâng hương tại đình Miễu được tổ chức vào tháng 7 hàng năm nhằm báo cáo với hai vị Thành hoàng về những việc đã xảy ra trong một năm và cầu xin phù hộ cho cuộc sống của người dân địa phương được no đủ, bình an, hạnh phúc.

Đăng nhận xét

 
Top