Menu
 

Trong 02 ngày 03, 04/9/2014, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8/2014. Ông Trần Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo phiên họp; ông Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Dự phiên họp còn có các phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo: UBND các huyện, thành phố, sở, ban, ngành liên quan.


Các đại biểu dự phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Quyết định phê duyệt danh sách các xã xây dựng nông thôn mới có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, đề án xây khu công nghiệp phụ trợ; lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo kết quả rà soát tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày dự thảo Quyết định ban hành quy định về quản lý hoạt động khoảng sản trên địa bàn tỉnh, Quyết định ban hành quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, Quyết định ban hành quy định hạn mức giao đất ở, đất chưa sử dụng để sản xuất nông nghiệp, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách, hợp thửa.
Ông Trần Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo phiên họp
Các ý kiến thảo luận tại phiên họp tập trung vào một số vấn đề: Đánh giá các xã khó khăn dựa trên 03 tiêu chí (thu ngân sách của xã, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo); cần thống nhất hỗ trợ sau đầu tư với các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; phân loại các xã đặc biệt khó khăn và khó khăn để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Việc xây dựng khu công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh là cần thiết; cần có chính sách, cơ chế chung đối với những doanh nghiệp phụ trợ, thu hút các doanh nghiệp có khả năng về tài chính tới đầu tư.

Cần xây dựng và duy trì các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề; giải quyết những tồn tại về đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề.

Tình hình quản lý hoạt động khoảng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn phát sinh nhiều bất cập; không nên khuyến khích khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, nên khuyến khích khai thác khoảng sản để chế biến chuyên sâu; cần thực hiện đo mỏ theo định kỳ.

Đa số các đại biểu đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như dự thảo quy định.
Ông Mai Tiến Dũng - UVTƯ Đảng - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp
Kết luận tại phiên họp, ông Trần Xuân Lộc, ông Mai Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Đối với việc xác định các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới cần khách quan, phân loại rõ để có cơ chế hỗ trợ phù hợp, những xã nằm trong khu vực quy hoạch khu công nghiệp, khu đại học tạm thời chưa hỗ trợ; thống nhất hỗ trợ xây dựng trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở và trụ sở UBND xã.

Với đề án xây khu công nghiệp phụ trợ, cần tranh thủ cơ chế chính sách của chính phủ khi thành lập khu công nghiệp phụ trợ; tận dụng tối đa cơ chế của chính phủ kèm theo một số cơ chế của tỉnh; khi xây dựng khu công nghiệp phụ trợ cần gắn kết với các khu công nghiệp khác của tỉnh và các khu công nghiệp của tỉnh bạn; kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tới đầu tư tại khu công nghiệp phụ trợ. UBND tỉnh cam kết giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư và tạo cơ chế về thủ tục hành chính.

Trong thời gian tới cần tăng cường kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh theo giấy phép đã được cấp; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, sử dụng đất của các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Sở Công Thương hoàn thiện hồ sơ thành lập các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề và quy hoạch chi tiết trước ngày 30/10/2014. Sở Tài chính hoàn thành quyết toán trước ngày 31/12/2014. UBND tỉnh sẽ ban hành quy chế sử dụng hạ tầng và chỉ thị về tăng cường công tác quản lý hoạt động của các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề.

Với nội dung quản lý hoạt động khoảng sản, Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phải siết chặt chuyển nhượng khai thác khoáng sản, đơn vị muốn chuyển nhượng phải hoàn thành các nội dung liên quan mới được chuyển nhượng; yêu cầu các doanh nghiệp khi nhận được giấy phép khai thác khoáng sản phải có văn bản báo cáo với UBND cấp huyện nơi thực hiện khai thác khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý mốc giới; thu hồi giấy phép khi doanh nghiệp khai thác vượt mốc giới, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.
Nhất trí hỗ trợ ổn định đời sống với mức hỗ trợ là 15.000 đồng/m2 đất nông nghiệp bị thu hồi; hạn mức, kích thước tối thiểu thửa đất ở giao mới là 40 m2, tối đa ở các phường là 120 m2, ở thị trấn là 150 m2, ở các xã là 200 m2; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất bằng tiền và bằng 02 lần giá đất nông nghiệp cùng loại theo bảng giá đất quy định của tỉnh đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi…/.

Đăng nhận xét

 
Top